Lượt xem: 2570

Kỷ niệm 13 năm Ngày mất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (11/6/2008 - 11/6/2021): Chuyện bây giờ mới kể về ông Sáu Dân - đi tàu không số vận chuyển “2T.A USD” vào miền Nam

Tháng 7-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 21 (khóa III) bàn về nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới và chủ trương giải phóng miền Nam. Đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) ở lại dự Hội nghị. Sau khi Trung ương mời Bí thư các Khu ủy, trong đó có Khu 9; với cương vị Bí thư Khu ủy khu 9 đồng chí Võ Văn Kiệt đã báo cáo với Trung ương về quyết định phản công “giữ đất, giữ dân” của Đảng, quân và dân khu Tây Nam bộ, điều lực lượng vũ trang nổ súng ngăn chặn quân đội Sài Gòn hành quân giành dân, lấn đất vùng giải phóng. Báo cáo của đồng chí Sáu Dân được Hội nghị đánh giá cao và đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn kết luận: “Khu 9 làm đúng, Cách mạng miền Nam không có con đường nào khác ngoài con đường bạo lực…”(1) và đây cũng là cơ sở để hình thành nên Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 (khóa III).

    Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 đã khẳng định: “Hiệp định Paris được ký kết mở ra thời cơ lớn để quân và dân ta tiếp tục hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Buộc phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, song chính quyền Nixon vẫn âm mưu tiếp tục dùng quân đội và chính quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam”…(2). Vì vậy, trước và sau ngày ký Hiệp định, đế quốc Mỹ lén lút tuồn vũ khí, gài nhân viên, cố vấn ở lại làm nhiệm vụ chỉ huy, hỗ trợ chính quyền và quân đội Sài Gòn. Đồng thời duy trì lực lượng “ngăn đe” ở các vùng phụ cận chung quanh Việt Nam, tiếp tục xúc tiến các hoạt động ngoại giao xảo quyệt hòng ngăn chặn sự phát triển sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.


Tại căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Từ trái sang: Ông Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), ông Phạm Văn Xô (Hai Xô), ông Phạm Thái Bường (Ba Bường), ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Ảnh tư liệu

 

    Mục tiêu trước mắt của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn là lấn chiếm vùng giải phóng, bình định vùng chiếm đóng, tiêu diệt một bộ phận lực lượng ta, đẩy lực lượng ta ra sát biên giới, loại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị ở miền Nam. Ðể thực hiện mục tiêu này, quân đội Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng.

    Từ sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, Ðảng ta dự kiến có hai khả năng: Hoặc là hòa bình được duy trì, hiệp định được thực hiện từng bước, phong trào cách mạng miền Nam có điều kiện tiếp tục phát triển; hoặc là chiến tranh sẽ vẫn tiếp diễn. Ta ra sức tranh thủ khả năng thứ nhất, đồng thời ra sức chuẩn bị sẵn sàng đối phó khả năng thứ hai và ra Nghị quyết Về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới(3). Hội nghị phân tích thắng lợi to lớn của ta sau 18 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chỉ ra một số nhược điểm, khuyết điểm của ta từ sau Hiệp định Paris. Hội nghị khẳng định: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng miền Nam tiến lên”…(4). Đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là phải: “Tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đoàn kết toàn dân, đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giai cấp tư sản mại bản và bọn địa chủ phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân... đẩy lùi và thắng địch từng bước, đi tới xóa bỏ chính quyền tay sai của Mỹ, xóa bỏ chế độ thực dân mới, thiết lập một chính quyền dân tộc, dân chủ thực sự, thực hiện hòa hợp dân tộc, thoát ly hẳn sự lệ thuộc vào Mỹ, thực hiện một miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà(5).  Hội nghị chỉ rõ phương châm tiếp tục giữ vững tư tưởng chiến lược tiến công, căn cứ tình hình cụ thể của từng thời kỳ, từng vùng, thậm chí từng cuộc đấu tranh mà vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh; giữ vững và phát triển lực lượng về mọi mặt, làm tan rã và suy yếu từng mảng lớn lực lượng quân sự, chính trị của địch, tạo ra những chuyển biến to lớn về so sánh lực lượng, về cục diện chiến trường có lợi cho ta... tấn công địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; quyết tâm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại kế hoạch bình định gom dân của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

    Sau Hội nghị 21, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam gặp đồng chí Sáu Dân để “nói chuyện riêng” và cũng để ôn lại những kỷ niệm của hai đồng chí ở Cà Mau, thời sau Hiệp định đình chiến (1954).

    Chuyện là năm 1954, đồng chí Lê Duẩn tạm biệt đồng bào, đồng chí, cùng gia đình lên tàu Kilinski (Ba Lan) ở cửa sông Ông Đốc, tập kết ra miền Bắc. Khi đồng chí lên tàu ai cũng thấy, nhưng khuya đồng chí bí mật xuống tàu. Đồng chí Sáu Dân cho ghe đón về một căn cứ ở Cà Mau. Tuy hết sức bí mật và chui sâu vô rừng đước, nhưng đồng chí Lê Duẩn cũng bị lộ, bởi một bà má biết mặt và vuột miệng nói “Ba Duẩn chứ ai?”. Sáng sớm hôm sau, đồng chí Sáu Dân phải đưa đồng chí Lê Duẩn sang một địa điểm khác vô cùng bí mật, không ai biết. Sau đó, tại Cái Chanh, Cái Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - trước đây 1949-1960 là khu rừng đước - Xứ ủy Nam bộ được thành lập gồm một số cán bộ lãnh đạo được phân công bí mật ở lại miền Nam, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư. Nhưng cũng từ thời gian này trở đi là những ngày gian nan, căng thẳng của cách mạng miền Nam, lực lượng ta luôn phải đối phó với những cuộc ruồng bố, càn quét gắt gao của chính quyền Ngô Đình Diệm.

    Đồng chí Lê Duẩn và Sáu Dân cùng “chém vè” về Rạch Gốc, xuống tận xóm mũi Cà Mau, người bảo vệ khi đó là đồng chí Tư Mau (Phan Văn Nhờ, sinh năm 1925, dân tộc Kinh, quê ở xã Long Điền, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nguyên là thượng tá, Đoàn trưởng đoàn 962 vận tải biển, Quân khu 9. Khi được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang).

    Năm 1956, đồng chí Lê Duẩn về Bến Tre, rồi từ Bến Tre về Sài Gòn, tại đây đồng chí viết bản: “Đề cương cách mạng miền Nam”. Sau đó chuyển Xứ ủy Nam bộ sang Campuchia, đồng chí chuyển ra miền Bắc nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Sáu Dân ở lại Cà Mau bị địch “dí” chạy qua Rạch Giá, vô U Minh Thượng và đồng chí được cử làm Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây (Khu ủy Khu Tây Nam bộ sau này). Năm 1955, vợ đồng chí Sáu Dân, bà Trần Kim Anh sanh con gái thứ ba đặt tên Võ Hiếu Dân, đồng chí Sáu Dân lấy tên con gái làm bí danh hoạt động cách mạng cho mình...

    Hai đồng chí hàn huyên tâm tình “Ôn cố, tri tân”. Nào chuyện gia đình, nào chuyện vi phạm Hiệp định, chuyện Khu 9 chủ động “xé rào” đánh địch giữ đất, giành dân, không cho kẻ thù lợi dụng đánh phá vùng tự do của ta. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng, đúng với tình hình chiến trường Khu 9 lúc bấy giờ, đúng với tính cách của “dân Nam bộ” và hành động của Sáu Dân, không ai hiểu hơn đồng chí Lê Duẩn.

    Sau lần “nói chuyện riêng” vừa chân tình, vừa nắm chắc tình hình miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã đi đến kết luận: Đồng chí Sáu Dân cần nhận ngay sự chi viện của Trung ương cho Khu 9 nói riêng và Trung ương Cục miền Nam nói chung để anh, em giữ đất, giữ dân, đánh thắng địch theo tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 21. Và, đồng chí Lê Duẩn điện cho đồng chí Lê Thanh Nghị, lúc này là Phó Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Ban Chi viện miền Nam chi gấp một số tiền USD khá lớn cho miền Nam. Người nhận số “hàng hóa đặc biệt USD” này là đồng chí Sáu Dân. Ngay ngày hôm sau, số tiền 2T.A đô la Mỹ được đồng chí Nhật Hồng, cán bộ của Ủy ban Thống nhất Trung ương chuyển về nhà nghỉ Trung ương giao cho đồng chí Sáu Dân. Giao số tiền này ngoài đồng chí Sáu Dân còn có đồng chí Ba Hùng, thư ký của đồng chí Sáu Dân, trước đây Ba Hùng làm thư ký riêng cho Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương. Đồng chí Nhật Hồng giao tiền và nhắc đồng chí Sáu Dân: “Anh đếm tiền đi. Đủ theo yêu cầu, không thiếu một xu…”. Đồng chí Sáu Dân không đếm, chỉ ký tên vào tờ giấy nhỏ, ghi ngắn gọn: “Đã nhận đủ 2T.A”, như vậy, coi như đã xong thủ tục giao, nhận tiền.

    Đồng chí Nhật Hồng buột miệng hỏi: “Lúc nào anh Sáu về Nam? Anh chở tiền về bằng cách nào?..”. Đồng chí Sáu Dân xếp va ly tiền vào góc phòng, cười mỉm và thủng thẳng, thân mật nói: “Chuyện tao về Nam đâu có liên quan đến mầy…”. Nhật Hồng lo cho đồng chí Sáu Dân và có nhiều cách chuyển tiền chi viện các chiến trường mà B.29 đã làm, có rất nhiều kinh nghiệm… Đồng chí Sáu Dân đoán được suy nghĩ của cán bộ Nhật Hồng, nói thêm để Nhật Hồng yên tâm: “Về cách nào còn tùy mấy ổng Trung ương bố trí? Tao đâu biết trước được?...”

    Trước ngày về Nam, đồng chí Sáu Dân đến thăm và từ biệt gia đình người anh, người đồng chí thân thiết mà Sáu Dân quý trọng, đó là đồng chí Dương Kỳ Hiệp. Họ đã ngồi với nhau từ sẩm tối cho đến khuya bên chai rượu “Lúa mới” theo tiêu chuẩn cán bộ cao cấp của đồng chí Dương Kỳ Hiệp thời đó, bên cạnh dĩa đậu phọng (đỗ lạc) và miếng đậu hũ (đậu phụ) chiên, họ có nhiều tâm đắc, trao đổi.


Các ông Phan Văn Đáng, Trương Chí Cương, Nguyễn Văn Linh, Phạm Thái Bường, Võ Chí Công (hàng trước), Võ Văn Kiệt, Trần Văn Quang, Phạm Văn Xô (hàng sau) dự hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ nhất tại Mã Đà, chiến khu Đ năm 1961. Ảnh tư liệu

 

    Và việc về Nam của đồng chí Sáu Dân được Trung ương lo chu đáo; đồng chí cùng chiếc va ly 2T.A bí mật lên “tàu không số” do đồng chí Phan Văn Nhờ (Tư Mau) lúc này đã thay hình, đổi dạng. Đồng chí Tư Mau tự nguyện hy sinh lột da đầu, xoay phần tóc phía sau ra phía trước, sửa lại hình dạng mặt để che mắt địch, từ Cà Mau ra rước, Tư Mau đi ra, vô như đi chợ.

    Trong chuyến hải trình về Nam lần này, Tư Mau và thủy thủ của “tàu không số” chỉ chở một vị khách đặc biệt, duy nhất cùng chiếc va ly 2T.A nặng tay, đó chính là đồng chí Sáu Dân và hành lý của ông. Qua mấy ngày đêm lênh đênh trên biển, trải qua sóng dữ mấy phen và nhất là việc luồn lách, vượt qua các trạm gác, giang thuyền, tàu chiến khám xét gắt gao của chế độ Nguyễn Văn Thiệu; giữa tháng 8 năm 1973, con “tàu không số” đưa đồng chí Sáu Dân và “chuyến hàng đặc biệt 2T.A” cặp bến Rạch Gốc - Tân Ân, Cà Mau an toàn.

    Số đô la Mỹ, mang bí danh 2T.A này nhanh chóng đưa về Khu 9, về Trung ương Cục miền Nam chi tiêu theo đúng kế hoạch, góp phần làm cho lực lượng cách mạng miền Nam thêm mạnh và chiến thắng kẻ thù, cụ thể là đã đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cùng kế hoạch bình định gom dân của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở Khu 9 và trên toàn chiến trường miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam sạch bóng quân thù, non sông liền một dải từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái.

    Chuyện về ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) đi “tàu không số” vận chuyển số tiền có mật danh “2T.A USD” vào chiến trường miền Nam vào tháng 8 năm 1973, khi chiến sự đang ác liệt, lại lênh đênh trên biển, với bao rủi ro, hiểm nguy rình rập…Nhưng cuối cùng đồng chí Sáu Dân và đồng chí Tư Mau cùng các thủy thủ “tàu không số” đã hoàn thành nhiệm vụ; xứng đáng với sự tin tưởng mà Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó./.

Anh Võ

 

Trích dẫn

1. Theo lời kể của Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Văn Nhờ (Tư Mau) khi chúng tôi đi điền dã tìm hiểu về Nhà thơ Phan Văn Trị tại Cà Mau năm 1999 - 1990;

2. Theo Phan Thành Nam và Võ Hiếu Dân (Con ông Sáu Dân) kể;

3. Theo Diệp Hồng Phương, Dương Kỳ Hiệp - Tình biển nghĩa sông, NXb. Văn học, 2012.

4. (1), (2), (3), (4) và (5) Trích theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), Nghị quyết lần thứ 21 về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 7 năm 1973.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 29
  • Hôm nay: 6211
  • Trong tuần: 76,918
  • Tất cả: 11,800,238